Tiếng Việt
Cái ác không làm tôi sợ

Tiểu sử tác giả
Emanuel Pastreich sinh ra ở Nashville, Tennessee năm 1964, một năm sau vụ ám sát Tổng Thống John F. Kenedy- một nhân vật chính trị mà sau này ông dành cho một niềm thương cảm vô cùng khi ông dấn thân vào chính trị quốc tế.
Cha ông, Peter Pastreich, là con trai của một dược sĩ với một cửa hàng khiêm tốn của riêng mình ở Brooklyn, New York. Peter Pastreich nguyên là CEO tại nhà hát giao hưởng San Francisco.
Mẹ của Emanuel, Marie Louise Rouff là một nghệ sĩ và độc giả nhiệt thành sống ở Martha’s Vineyard, một hòn đảo không xa Boston. Ở tuổi 90 bà tự nấu ăn và trồng rau củ. Về căn bản bà rất độc lập trong suy nghĩ, và bị thuyết phục bởi tầm quan trọng của nghệ thuật trong xã hội. Bà lớn lên ở Luxembourg, một quốc gia nhỏ bao quanh bởi hai siêu cường Pháp và Đức, và cuộc đấu tranh về văn hóa và căn tính ở Luxembourg đã có ảnh hưởng lớn với bà.
Ông được nhận vào đại học Yale vào năm 1983 và quyết định chọn ngành Tiếng Trung một phần vì ông có rất nhiều bạn bè Trung Quốc cấp ba ở San Francisco và một phần vì ông cảm thấy Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia quan trọng trong tương lai và người Mỹ cần phải có một vốn hiểu biết sâu sắc về đất nước và nền văn hóa đó. Ông tới Đại học Quốc gia Đài Loan một năm và chỉ đăng ký hoàn toàn những lớp học ngôn ngữ, tránh tiếp xúc người Mỹ để chắc chắn rằng ông chỉ nói tiếng Trung.
Nhưng thời gian đó, Nhật Bản đang là một thế lực đang lên nhanh chóng ở Châu Á và Emanuel quyết định dành hết tâm huyết để gầy dựng hiểu biết về Nhật Bản tương đương với hiểu biết của ông về Trung Quốc. Ông bắt đầu học tiếng Nhật vào năm cuối ở Yale và có học bổng đi học tiếng Nhật toàn thời gian ở Nhật tại học viện danh giá nhất cho các chuyên gia Mỹ từ mùa hè năm 1987.
Sau một năm học tiếng Nhật, Emanuel tham gia vào khoa văn học so sánh ở Đại học Tokyo vào năm 1988 và bắt đầu đăng ký những lớp học bằng tiếng Nhật với cương vị một sinh viên nghiên cứu. Ông đã hoàn thành tốt vai trò cũng như đã viết bài và thuyết trình bằng tiếng Nhật trong vòng một năm. Ông tham gia vào chương trình Thạc sĩ lúc đó và đăng ký một lớp học kỹ năng để đạt được trình độ tiếng Nhật cao nhất, hoàn thành tất cả mọi công trình và viết một luận văn thạc sĩ dài 150 trang hoàn toàn bằng thứ tiếng này.
Có hai góc độ trong quá trình Emanuel nghiên cứu văn học so sánh tại Đại học Tokyo. Một mặt, ông cống hiến vào việc nghiên cứu những tác phẩm văn học cổ điển và tư tưởng Khổng Tử, tham khảo rất nhiều văn bản gốc của Nhật Bản, Trung Quốc và phát triển một sự hiểu biết tinh tế về cả hai quốc gia. Một mặt khác, mặc dù được rèn luyện để trở thành một giáo sư, ông không hề từ bỏ giấc mơ ban sơ được đóng một vai trò quan trọng trong chính trị và quan hệ quốc tế với tư cách là cầu nối giữa Mỹ và Châu Á. Ông biết rõ rằng nước Mỹ cần một người có vốn hiểu biết sâu rộng về Châu Á và ông mong rằng sẽ có một dịp trong tương lai ông được tham gia vào vai trò đó.
Giữ trong đầu trọng trách của mình ở nước Mỹ, Emanuel quyết định rằng thay vì tiếp tục ở lại Nhật và trở thành giáo sư của một trường Đại học Nhật Bản, ông sẽ trở về Mỹ và theo đuổi tấm bằng tiến sĩ ngành Châu Á học tại đại học Harvard. Quay lại vào năm 1992, ông nhanh chóng xây dựng một tình bạn thân mật với cố vấn Stephen Owen của mình, một chuyên gia đầu ngành về Văn học Trung Quốc ở Mỹ và đồng thời cũng tốt nghiệp cùng khoa với Emanuel ở Yale.
Khi ở Harvard, Emanuel bắt đầu có ý thức mạnh mẽ hơn về Hàn Quốc. Có rất nhiều sinh viên sáng giá ở Harvard lựa chọn ngành Hàn Quốc và ông dần có ý thức hơn về tầm quan trọng của Hàn quốc ở Châu Á, đặc biệt là khi Hàn Quốc ngày càng mở cửa. Ông quyết định tự học tiếng Hàn và đăng ký lớp học dạy bằng ngôn ngữ này vào năm 1995 ở Harvard. Ngoài ra, Emanuel còn giành được học bổng tại khoa Văn Học trường Đại học Quốc Gia Seoul một năm.
Emanuel bắt đầu sự nghiệp giáo sư ở Đại học Illinois, Urbana-Champaign năm 1998. Tuy nhiên, khi ông bắt đầu cương vị của một giáo sư, ông biết rõ rằng sức mạnh của mình không chỉ dừng lại tập trung ở vai trò giáo sư Văn học, mà còn là một người có thể bắt cầu giữa nước Mỹ và Châu Á. Ông nhanh chóng thiết lập những mối quan hệ thân thiết với không chỉ những người quản trị cấp cao ở trường đại học, mà còn với những giáo sư ở trường kỹ sư.
Càng ngày, những công trình của Emanuel càng liên hệ mạnh mẽ với sự trao đổi quốc tế giữa Đại học Illinois, Urbana-Champaign với Châu Á. Điều này đã dẫn đến sự hợp tác sâu sắc với nhiều trường con trong đại học, đặc biệt là Trường Kỹ Sư. Ông trở thành một thành viên của ACDIS (Chương trình kiểm soát vũ khí, giải trừ vũ khí, và an ninh quốc tế), nơi mà ông bắt đầu viết những nghiên cứu về quan hệ quốc tế, an ninh, và công nghệ như một phần của mối quan tâm mới với việc làm sao để tối ưu hóa chuyên môn về ngôn ngữ và niềm hứng thú mới với công nghệ của ông.
Hơn nữa, ngoài những chuyên gia hiểu biết về những công trình của Emanuel tại Đại học Illinois và đề xuất ông đến Washington D.C. để làm việc trực tiếp trên những vấn đề chính sách liên quan đến Đông Á. Emanuel đảm nhận một vài công việc tư vấn and chuyển đến Washington D.C. vào năm 2004, nhưng những bất ổn chính trị không ngừng gia tăng trong thành phố này ở thời điểm đó khiến cho cơ hội việc làm của ông ở các viện nghiên cứu Hoa Kỳ hay những cơ quan chính phủ trở nên khó khăn và cuối cùng ông bắt đầu làm việc ở Lãnh Sự Quán Hàn Quốc với tư cách Viện trưởng của một viện nghiên cứu chính sách Hàn quốc mới được biết đến với cái tên KORUS House và là biên tập viên của báo “Dynamic Korea” được sản xuất bởi Bộ Ngoại Giao. Những công việc này có liên quan đến sự hợp tác sâu sắc với những nhà ngoại giao và đại sứ của Hàn Quốc.
Emanuel đã được đề nghị vị trí cố vấn giao dịch tài chính của thống đốc mới được bổ nhiệm của tỉnh Chungnam Lee Wan-guin vào năm 2007 và chuyển đến Hàn Quốc cùng gia đình. Ông giúp đỡ chính phủ trong việc hợp tác quốc tế và phát triển những chương trình du lịch, giáo dục quốc tế. Tuy nhiên, sau cùng Emanuel trở thành một cố vấn cho nhóm nghiên cứu liên ngành của khu đô thị Daedeok, nơi ông hỗ trợ các viện nghiên cứu thiết lập mối quan hệ thân mật với những đồng sự ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, cũng như những nơi khác và lên kế hoạch cho những chính sách công nghệ trong tương lai của Hàn Quốc cùng với những nhiều chuyên gia.
Emanuel trở thành giáo sư của Đại học Kyung Hee vào năm 2011 và bắt đầu những hoạt động lớn hơn ở Seoul bao gồm xuất bản sáu cuốn sách bằng tiếng Hàn Quốc, hai cuốn bằng tiếng Trung và một cuốn bằng tiếng Nhật.
Viện Châu Á, một viện nghiên cứu chính sách mà Emanuel thành lập ở Daejeon vào năm 2007, bắt đầu từ một không gian chính yếu cho những suy nghĩ nguyên bản ở Hàn Quốc, và những hội thảo thường nhật ở đây được nhiều người tham gia. Ngoài ra, Viện Châu Á còn mở những văn phòng ở Tokyo, Hà Nội, và Washington D.C. ngoài Seoul.
Emanuel quyết định trở lại Washington D.C. vào năm 2019 điều hành Viện Châu Á để cống hiến hết mình, cùng với một nhóm bạn thân cận, cho sự hợp tác của Hoa Kỳ với Đông Á và tranh luận trong những bài viết cũng như trong chuỗi các hội thảo quan trọng về tương lai của nước Mỹ sẽ nằm ở châu Á, và rằng một sự tái định hướng sâu sắc là bắt buộc.
Tuy nhiên, từ tháng Một năm 2020, ngay trước khi cơn đại dịch COVID-19 nổ ra, Emanuel nhận ra ông không thể tiến hành công việc của mình ở Washington D.C. Ông quyết định kéo dài chuyến đi ngắn ngày tới Châu Á thành một kỳ nghỉ dài, bởi ông nhận ra sẽ thuận lợi hơn nếu ông tiến hành trên một tầm n hìnứng phó với biến đổi khí hậu, và vì hòa bình ở Đông Bắc Á khi ở Hàn Quốc. Washington D.C. đã bị tê liệt trong một giác quan chính trị và cảm thức chống đối châu Á đã lây nhiễm vào những cuộc đàm luận về chính sách khu vực này.
Vào tháng Hai năm 2020, ngay trước khi ông chuyển về Seoul, Emanuel tuyên bố tranh cử tổng thống với cương vị của một ứng cử viên độc lập. Ông đã truyền tải một bài phát biểu sâu sắc về những vấn đề thiết yếu mà Hoa Kỳ đã phải đối mặt và thúc đẩy tầm nhìn vì những cải cách căn bản. Ông cũng đã tiếp tục những nỗ lực này ở Seoul, và có được một nhóm những người quan tâm ở Mỹ, Hàn Quốc (và những nơi khác).
Cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ của Emanuel lúc đầu đã không được nhiều người xem là nghiêm túc. Từng có một xu hướng giả định rằng trừ phi ai đó có thật nhiều tiền, và được chống lưng bởi truyền thông chính trị, sẽ hoàn toàn bất khả để anh ta được nghiêm túc nhìn nhận như một ứng cử viên tổng thống và việc tranh luận về tính khả thi của việc này là hoàn toàn phí thời gian.
Lời tựa từ dịch giả
Là một sinh viên đã được rèn luyện khả năng và phát triển niềm đam mê với các lớp Chính trị, Triết học, và Văn học ở trường Đại học Duke (chi nhánh Côn Sơn), tôi vinh dự có cơ hội tham gia dịch tuyển tập những bài diễn thuyết của Giáo sư Văn học, Viện trưởng Viện Châu Á, Ứng viên Độc lập tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ Emanuel Pastreich và đại diện bày tỏ một phần cảm nghĩ của bản thân sau khi đọc tuyển tập này. Không chỉ dưới góc nhìn của một học giả uyên thâm về châu Á và quan hệ quốc tế, giáo sư Pastreich còn giới thiệu đến người đọc nước Mỹ qua lăng kính của một nhà cải cách lỗi lạc, can trường, và quan trọng hơn hết là của một người tiên phong với trái tim nhiệt thành tràn đầy niềm thấu cảm, sẻ chia cho những con người gánh chịu bất công vì bóc lột kinh tế hay vì phân biệt sắc tộc, giàu nghèo ở đáy xã hội xứ cờ hoa. Đây là một nước Mỹ hỗn loạn ngập ngụa trong những giá trị ảo: một nền kinh tế độc quyền, chuyên chế do các tập đoàn đa quốc gia cai trị nhằm khống chế quyền tham gia của công dân, một loạt những trào lưu tư tưởng làm suy kiệt trí tuệ và nghị lực con người, một lớp kính chống đạn dày cộm của nền bảo an đang ngụy tạo những mục tiêu nhân danh chính nghĩa nhằm che lấp sự thúc đẩy công nghiệp chế tạo vũ khí, một nước cờ tinh xảo đầy biến hóa với nhiều luồng năng lượng tiêu cực đánh lừa cả xã hội từ cái chết của George Floyd, một khái niệm tưởng như đảm bảo mức sống ổn định cho mọi tầng lớp người dân, một cái nhìn vào những tổ chức toàn cầu cũng như cách mà các ngân hàng – tập đoàn đa quốc gia chi phối chúng để ảnh hưởng lên quản trị toàn cầu, và một sự thật mà bấy lâu nay những nền tảng công nghệ quen thuộc như Google và Facebook vẫn nỗ lực “đánh lận con đen” để làm giàu.
Giữa một xã hội nhiễu nhương như thế, giáo sư Pastreich đã chọn con đường nào để tạo ra những thay đổi, nhất là khi ông đang tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ dưới tư cách một Ứng viên Độc lập? Tất cả những hiện tượng chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng, ngoại giao, thậm chí công nghệ hiện đang thao túng và gây rối loạn Hoa Kỳ không những được ông phân tích cụ thể mà trong cuốn sách này, ông còn đưa ra một loạt các giải pháp bền vững mang tính dân chủ và triết lý. Ở đó, giáo sư Pastreich vạch rõ những con đường mà công dân Mỹ có thể lựa chọn để tạo ra một nhà nước, một xã hội cho chính mình dưới sự trợ giúp của bản thân ông – không phải một kẻ cai trị, mà là một người đồng hành.
Với nội dung mang tính thời sự – chính trị nóng hổi cùng những phân tích sâu sắc, những bình luận tinh tế hóm hỉnh, và những giải pháp nhạy bén, kịp thời, tin là quyển sách của giáo sư Emanuel Pastreich không chỉ mang lại cho bạn những thông tin, kiến thức, và góc nhìn chân thật, đa chiều về nước Mỹ đương đại mà qua đó, còn giúp bạn có thêm cơ hội suy ngẫm về xã hội Việt Nam ngày nay – nơi chúng ta đang sinh sống, thực hiện quyền, nghĩa vụ mỗi ngày – và làm sao để vận dụng triệt để quyền công dân của mình trong việc xây dựng đất nước và cải cách xã hội.
Cuối cùng, xin gửi lời tri ân sâu sắc đến anh Nguyễn Thành Lộc đã hỗ trợ chỉnh sửa và góp ý trong quá trình dịch thuật tuyển tập này.
Lan Võ
(Đại diện nhóm dịch giả)
Lời giới thiệu cho độc giả Việt Nam
“Vì sao lại tranh cử Tổng thống dưới tư cách một ứng viên độc lập?”
Emanuel Pastreich
Ứng viên Độc lập tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ
Vài lời cho độc giả Việt Nam
Tôi cảm thấy vài lời đề tựa cho chuỗi bài diễn văn này, cụ thể là về Việt Nam và tầm quan trọng của đất nước này với tôi cũng như với Hoa Kỳ, là một việc trọng yếu.
Tôi chỉ vừa mới bắt đầu học một chút tiếng Việt gần đây vì tôi đột nhiên có nhiều bạn bè Việt Nam. Tôi cảm thấy ấn tượng với năng lượng và nhiệt huyết từ con người tại đất nước ấy.
Đáng tiếc là, dù tôi nghiên cứu về châu Á đã nhiều năm và phát triển đến trình độ cao trong việc thành thạo tiếng Trung, tiếng Nhật, và tiếng Hàn. Trình độ tiếng Việt của tôi khá là giới hạn.
Thế nhưng, quyết định nghiên cứu về châu Á của tôi lại khởi thủy từ một số phương diện liên quan đến Việt Nam. Khi tôi bước vào đại học Yale năm 1983, 10 năm sau khi Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam, tôi đã quyết định học ngành châu Á học. Cuối cùng, tôi kết thúc với chuyên ngành văn học Trung Quốc. Nhưng vào lần đầu tiên tôi đến thăm khoa châu Á học, tôi đã hỏi liệu tôi có thế học ngôn ngữ Việt Nam hay không và được cho biết mặc dù có một chương trình lớn về Việt ngữ cách đây một thập kỷ, khi nước Mỹ vẫn còn dính líu vào Việt Nam, điều đó đã bị ngừng lại.
Không cần phải nói, có chút gì đó còn hơn cả mỉa mai khi mà lần duy nhất tại Hoa Kỳ xuất hiện một sự chú ý nghiêm túc đối với Việt Nam chính là lúc chúng tôi giết người tại đó.
Quyết định của tôi trong việc cố gắng biến bản thân thành một chuyên gia về châu Á tại Mỹ không thể tách rời khỏi ý thức về những gì Hoa Kỳ đã làm với Việt Nam, trong hoàn cảnh quay trở về năm 1983 tôi chỉ hiểu một cách mơ hồ về lý do Mỹ đã gây ra vô số cuộc tàn sát ở một đất nước xa xôi.
Tôi muốn trở thành một người Mỹ nói tiếng Trung (và sau này là cả tiếng Nhật và Hàn) một cách lưu loát, có thể đọc sách bằng tiếng Trung và viết những bài báo tiếng Trung dễ dàng. Tôi muốn kiểm soát được các ngôn ngữ châu Á như cách người châu Á có thể làm với tiếng Anh, hay cách một số người Mỹ có thể làm với tiếng Pháp hoặc Đức.
Một phần động lực của tôi trong việc đưa ra quyết định trở thành một chuyên gia châu Á thực thụ là sự đầu tư chiến lược. Tôi đã nghĩ rằng khi châu Á trở nên thiết yếu với Hoa Kỳ trong tương lai tôi sẽ trở thành một trong số ít những người Mỹ với khả năng ngôn ngữ châu Á đóng vai trò cốt lõi.
Nhưng tôi cũng đã tin tưởng rằng Hoa Kỳ từng dính líu vào Việt Nam và từng tàn sát biết bao sinh mạng, từng gây ra thiệt hại khủng khiếp cho đất nước ấy, từng khiến một trong những đất nước phồn vinh nhất khu vực bị bần cùng hóa, bởi vì người Mỹ quá thờ ơ với Việt Nam và bởi vì họ đã quá kiêu ngạo khi cho rằng lối sống kiểu Mỹ mới là thượng đẳng. Người Mỹ nghĩ rằng họ có nghĩa vụ giới thiệu cho Việt Nam một lối sống Mỹ tốt hơn như thế, bằng vũ lực nếu cần thiết.
Tôi tưởng là một người Mỹ với hiểu biết sâu sắc về châu Á như tôi sẽ không mắc phải những sai lầm như thế. Tôi đã cho là vậy dựa trên một niềm tin sai lệch tôi từng học rằng những gì Hoa Kỳ đã làm ở Việt Nam là do một sự hiểu lầm. Chỉ đến sau này tôi mới nhận ra đó là do lợi ích, do nhận thức về quyền lực, và do những trận chiến về tư tưởng tại nước nhà mà Hoa Kỳ đã theo đuổi cuộc chiến tranh tàn nhẫn này.
Tôi ý thức được về Chiến tranh Việt Nam lần đầu khi còn là một đứa trẻ nô đùa trong con hẻm nhỏ sau nhà. Một sinh viên đại học đã dán những tấm ảnh trẻ em bị tàn sát ở Việt Nam trên những cột đèn như một phần của cuộc phản đối. Tôi nghĩ đó là vào khoảng những năm 1970. Mục đích của những tấm áp phích đó là để cho người Mỹ thấy rõ hơn những cảnh tượng khủng khiếp ở Việt Nam mà họ đã bị bưng bít. Là một đứa trẻ tôi hoàn toàn mù mờ với những gì Hoa Kỳ đã làm. Gia đình tôi chưa bao giờ kể tôi nghe bất cứ điều gì về những việc xảy ra ở Việt Nam và tôi không được học bất cứ thứ gì liên quan ở trường. Nhưng những tấm áp phích ấy mắc kẹt trong tâm trí tôi.
Tôi đã xem một loạt chương trình truyền hình tên M*A*S*H (bệnh viện phẫu thuật quân đội – military army surgical hospital) khi còn học trung học. Đây là một bộ phim hài tình huống với bối cảnh Chiến tranh Triều Tiên liên quan đến cuộc sống của các bác sĩ điều trị thương binh tại một căn cứ quân sự. Đó là một trong những loạt phim hài tình huống hay nhất vào thời điểm đó và đôi khi nó bao gồm những nhận xét sâu sắc về bản chất của chiến tranh và những mâu thuẫn thường ngày trong một môi trường như vậy.
Điều tôi chưa học được cho tới sau này đó là loạt phim truyền hình M*A*S*H dù lấy bối cảnh Chiến tranh Triều Tiên nhưng có ý nghĩa như một sự ám chỉ đến Chiến tranh Việt Nam. Rất nhiều khán giả của loạt hài tình huống ấy là những người đã thật sự phục vụ quân đội ở Việt Nam và họ có thể thấu hiểu trải nghiệm về sự đột ngột xuất hiện trên một cánh đồng lúa của những người họ không có một mối liên hệ nào để chiến đấu trong một cuộc chiến không can hệ gì với đời sống của họ tại Mỹ. Tuy vậy, Chiến tranh Việt Nam là một chủ đề nhạy cảm đến mức không thể đưa ra trực tiếp tại Mỹ. Thay vào đó, những trải nghiệm ấy phải được tưởng như là đã lui về quá khứ để cho những mâu thuẫn và bi kịch mà chúng gây ra có thể được nhìn nhận từ xa.
Tôi đã nhìn thấy xu hướng này ở Hoa Kỳ, thậm chí vào ngày nay. Người ta không muốn suy nghĩ quá sâu xa về Chiến tranh Việt Nam vì nghĩ về điều đó quá sâukhơi lên những câu hỏi nghiêm trọng về lý do Hoa Kỳ có nhiều quân đội ở nước ngoài. Sẽ dễ dàng hơn nhiều để nói một cách đơn giản, rằng người Mỹ đã quá thờ ơ, quá kiêu ngạo trong thái độ của họ.
Tôi nghĩ quyết định học thành thạo các ngôn ngữ châu Á của tôi, và thiết lập những mối quan hệ ý nghĩa với người châu Á theo cách riêng của họ, bằng ngôn ngữ riêng của họ, là một quyết định đúng đắn. Nhưng tôi đã học được rằng quyết định của tôi là một sự xuyên tạc lịch sử có chủ đích. Cuộc đời tôi về sau dẫn dắt tôi tin tưởng rằng chúng ta cần một sự tái xác định căn bản về vai trò của nước Mỹ trên thế giới – nếu không thì Hoa Kỳ sẽ không còn một vai trò tích cực nào nữa. Sự chuyển đổi trong suy nghĩ ấy đã khiến tôi tuyên bố tranh cử tổng thống.
Khi tôi bắt đầu đến thăm Việt Nam thường xuyên tám năm trước, tôi phát hiện ra những người tôi gặp được cực kỳ dễ dàng để làm việc cùng, và ham học hỏi một cách trí tuệ. Ngay lập tức, tôi như cảm thấy đây là nhà. Hơn thế nữa, tôi còn khám phá được sự nhiệt huyết dữ dội dành cho Hoa Kỳ và văn hóa của nó.
Tôi cũng muốn gửi lời xin lỗi đến các bạn Việt Nam cho những điều kinh khủng mà đất nước tôi đã gây ra tại đây khi tôi còn nhỏ. Nhưng những người Việt tôi đã gặp lại không mấy hứng thú khi thảo luận về Chiến tranh Việt Nam. Khi tôi nói tôi muốn đưa ra tuyên bố, tôi đã được nghe lặp đi lặp lại rằng người Việt có một thái độ rất tích cực và mang tính xây dựng trong mối quan hệ với Hoa Kỳ, và họ thà nghĩ về tương lai còn hơn là “ăn mày dĩ vãng.”
Dĩ nhiên là tôi vô cùng vui mừng khi có một sự trao đổi rộng rãi với người Việt mà không vướng một chút “tính chất chống Mỹ” nào. Nhưng tôi cũng cảm thấy có gì đó không đúng về mối quan hệ này. Tôi không nói rằng tôi phải chịu trách nhiệm cá nhân cho những gì đã xảy ra, nhưng tôi đã là một phần của nền văn hóa ấy.
Cũng như khi tôi nhìn vào Việt Nam đương đại và những thay đổi xã hội của nó, tôi bắt đầu có những nghi hoặc của riêng mình. Tôi cảm thấy rất nhiều những tệ nạn xã hội giống nhau đã lan từ Hoa Kỳ sang Việt Nam.
Tôi nhìn thấy giới trẻ bị quyến rũ vào thế giới của tiêu dùng và thói tự buông thả mà ở đó sự sùng bái bản thân chi phối kinh nghiệm cá nhân và sự tập trung được đặt vào những thứ một cá nhân sở hữu hơn là những điều có ích cho cộng đồng, hay những hy sinh cho một mục đích cao cả hơn. Tôi nhìn thấy ảnh hưởng tiêu cực của công nghệ lên đời sống thường ngày của chúng ta, tác động khủng khiếp của chúng lên môi trường bởi sự tiêu thụ nhựa, xăng dầu, và sự phụ thuộc nguy hiểm trên xuất nhập khẩu để duy trì kinh tế. Những chủ đề này đã bị bỏ qua, không bao giờ xuất hiện trong những cuộc tranh luận dẫu cho chúng có nghiêm trọng thế nào.
Hơn thế nữa, đối với tôi dường như rất nhiều người trẻ Việt Nam nhìn vào bộ máy chính phủ quan liêu, những lập luận về quản trị xã hội chủ nghĩa khắc ghi trên những bức tường di tích như một thứ gì đó khá xa lạ với kinh nghiệm của chính họ, một thứ gì đó cúng nhắc, lỗi thời và không liên quan khi họ cố gắng kiếm nhiều tiền nhất có thể để tồn tại và hưởng thụ một chút văn hóa tiêu dùng.
Ngày nay, thật khó để hình dung được vì sao triết lý phức tạp của Hồ Chí Minh có thể lay động bao người sẵn sàng hy sinh tính mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ hơn hai thập kỷ trước. Các tác phẩm của ông đan xen tư tưởng xã hội chủ nghĩa với triết học Nho giáo, và đưa ra lập luận mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa đế quốc. Nhưng những ý tưởng đó lại có vẻ xa lạ với giới trẻ – những người lớn lên và nhìn nhận cốc cà phê Starbucks là biểu tượng của một cuộc sống lý tưởng.
Nhưng chúng ta thấy được những thách thức dữ dội dần rõ nét ở Việt Nam, ở Hoa Kỳ, sẽ đưa chúng ta quay về với những khủng hoảng kinh tế, xã hội, và tư tưởng sâu sắc mà chúng ta từng đối diện lúc trước. Những khủng hoảng ấy chưa hề quá xa.
Chiến tranh Việt Nam đúng là một cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, nhưng nó cũng đúng là một cuộc xung đột giữa các giá trị, một cuộc xung đột trong những giả định cơ bản về bản chất của xã hội và chức năng của nền kinh tế. Cuộc xung đột tư tưởng ấy đã diễn ra ở Việt Nam, và đến một mức độ nào đó tại Hoa Kỳ. Đó là một khoảng thời gian tàn bạo và khủng khiếp.
Ngày nay, khi càng nhiều người đối diện với viễn cảnh khốn cùng ở Việt Nam, khi mà sự phụ thuộc vào doanh thu buôn bán lộ ra những vấn đề nghiêm trọng của nó, tôi nghĩ chúng ta đang quay ngược về thời kỳ mà ở đó tất cả mọi thứ đều bị nghi hoặc. Chúng ta sẽ phải tự vấn một lần nữa, liệu sự theo đuổi giàu sang cá nhân có là một điều tốt đẹp cho cả xã hội, hay chúng ta phải có biện pháp để tạo ra một xã hội bình đẳng. Ảnh hưởng của các tập đoàn đa quốc gia và các ngân hàng đa quốc gia ở Việt Nam cũng sẽ là một chủ đề được xem xét một lần nữa trong những năm tới.
Chúng ta phải chuẩn bị cho một kỷ nguyên mà ở đó rất nhiều các giá trị căn bản được nghiên cứu lại và những ý tưởng của những người như Hồ Chí Minh có thể mang một ý nghĩa hoàn toàn mới. Chúng ta đang rời khỏi một thời kỳ ổn định trong lịch sử nhân loại. Điều đó đúng cho Việt Nam và cho cả Hoa Kỳ.
Cuối cùng, hãy để tôi nói vài lời về mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam dưới chính phủ Hoa Kỳ (trong tương lai) do tôi quản lý. Cá nhân tôi sẽ đưa ra một lời xin lỗi chính thức cho những hành động mà Hoa Kỳ đã gây ra trong Chiến tranh Việt Nam và tôi sẽ kêu gọi một dự án liên kết nghiên cứu lịch sử nhằm thu thập và đưa ra tư liệu của toàn bộ cuộc chiến một cách chính xác, và tôi sẽ yêu cầu toàn bộ tài liệu liên quan đến cuộc xung đột ấy được công khai. Tôi muốn tất cả học sinh – sinh viên tại Hoa Kỳ và Việt Nam hiểu được sự thật về lịch sử.
Cá nhân tôi ủng hộ một chương trình bù đắp cho Việt Nam, mặc dù tôi nghĩ chúng ta nên thực tế. Sẽ là không tưởng cho chính phủ Hoa Kỳ để cung cấp được lượng tiền bồi thường phù hợp. Sẽ thỏa đáng hơn rất nhiều khi thu giữ tài sản của những nhà sản xuất vũ khí đã thúc đẩy cuộc chiến ấy vì lợi nhuận cũng như tài sản của những công ty đã phát triển và quảng bá hóa chất nguy hiểm như Chất độc màu Da Cam.[1] Cơ đồ ấy đã được dựng nên và số tiền kia vẫn thừa lại.
Về mặt hợp tác, chính quyền của tôi sẽ tránh xa những nỗ lực thúc đẩy đối đầu với Trung Quốc và các bên khác trong khu vực như là một phương tiện buôn bán vũ khí và thông qua các hiệp định thương mại – tài chính độc quyền có lợi cho người giàu. Thay vào đó, chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác trong khoa học, đặc biệt là các lĩnh vực về sinh học, vật lý, và toán học nhằm khuyến khích những hiểu biết chính xác về thế giới. Công tác liên kết ứng phó về khí hậu cũng sẽ là một vấn đề then chốt. Nhờ vậy các tiêu chuẩn cho khoa học Việt Nam có thể được nâng cao và sự trao đổi trí thức sẽ được khuyến khích xây dựng.
Bóc lột lao động Việt Nam vì lợi nhuận sẽ không phải là ưu tiên cho chính quyền của tôi.
Tôi cũng ủng hộ việc chia sẻ những thực tiễn tốt nhất giữa chính phủ tập trung và chính quyền địa phương tại Hoa Kỳ và Việt Nam như một cách khuyến khích hợp tác chặt chẽ và rộng rãi hơn về những vấn đề tác động đến công dân. Tôi đề nghị chúng ta thúc đẩy mối quan hệ thành phố kết nghĩa, và thậm chí là mối quan hệ trường học kết nghĩa giữa trường trung học cơ sở và trung học phổ thông mà ở đó người Mỹ và người Việt Nam được mang lại gần nhau từ khi còn bé.
“Tôi sẽ không sợ một thế lực xấu xa nào”
Emanuel Pastreich
Ứng viên Độc lập tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ
Có những ngã rẽ lịch sử bi đát và nặng nề đến nỗi chúng ta phải đòi hỏi nhiều hơn các thay đổi tiến bộ; chúng ta phải đòi hỏi sự tái cấu trúc trong mọi khía cạnh cơ bản của xã hội.
Thời khắc hiện tại là một ngã rẽ như vậy, và tôi tuyên bố ứng cử vào chức vụ tổng thống Hoa Kỳ không phải vì tôi mong muốn các đặc quyền đi kèm vị trí đó, những thứ đặc quyền loè loẹt trong một bộ máy chính quyền mục nát, mà bởi vì đất nước chúng ta sẽ còn chịu nhiều thương tổn nếu những người được hưởng lợi nhiều nhất từ những truyền thống tốt đẹp nhất của chúng ta vẫn chưa sẵn sàng ném mình vào trận chiến.
Đã đến lúc có một bộ máy chính trị được thành lập dựa vào sự thật, không phải vào ý thích hay cảm xúc thoáng qua. Chúng ta không thể dửng dưng trước thứ đạo đức suy đồi đã biến tướng nước Mỹ yêu dấu của chúng ta. Chúng ta phải kết hợp một sự đồng cảm sâu sắc đối với những đau khổ của nhân dân với một tầm nhìn đầy cảm hứng cho tiềm năng của đất nước.
Chiến dịch này sẽ không trưng ra cho bạn những lời hứa suông. Cho đến khi chúng ta khôi phục lại một văn hoá đàm thoại chính trị trung thực và thiết lập lại một chính phủ giữ vững và thực hiện lý tưởng đó, thì những lời hứa của các chính trị gia, cho dù họ tự gọi mình là bảo thủ hay tiến bộ, sẽ không có ý nghĩa gì nhiều.
Ngày nay, chính phủ, giới báo chí, tổ chức giáo dục, cộng đồng, và gia đình của chúng ta đều bấp bênh trên bờ vực của sự sụp đổ. Vì tự lừa dối chính bản thân, chúng ta thậm chí còn không thể đối mặt với vùng đất hoang tàn nằm trước mắt.
Tôi đấu tranh vì chính điều này: Tất cả chúng ta phải cùng nhau xây dựng nên một thể chế có sự tham gia ở mọi khu vực, một thể chế sẽ cho phép công dân của chúng ta thiết lập lý tưởng, thực hành các thói quen, và chuẩn bị các chính sách để hình thành nền tảng cho nền cộng hoà mà chúng ta gây dựng lại.
Nếu chúng ta không thể thành lập các cộng đồng chung, nếu chúng ta không thể xem nhau là bất cứ ai ngoài những đối tượng để lợi dụng, khai thác vì lợi nhuận, sẽ không có một cải cách chính sách nào kể cả ở cấp cao nhất có thể cứu lấy chúng ta.
Những người công dân ngày nay không còn là công dân nữa, mà chỉ là những người tiêu dùng bị ép ăn những ảo tưởng hão huyền đóng gói sẵn bởi các cơ quan tổ chức quan hệ công chúng, những cơ quan được thuê bởi các công ty rửa tiền cho các chính trị gia.
Chúng ta bị các phương tiện truyền thông mục ruỗng lừa đảo rằng chúng ta sẽ chỉ có thể quan sát và không có lựa chọn nào khác ngoài việc gửi tiền cho các chính trị gia sẽ không bao giờ gặp chúng ta, đại diện cho chúng ta, hay thậm chí trả lời các cuộc gọi điện thoại của chúng ta. Các phương tiện truyền thông, dưới sự kiểm soát bởi một số tập đoàn hùng mạnh, chăm chỉ thuyết phục chúng ta tìm kiếm các bậc thầy lừa đảo để giải quyết vấn đề của chúng ta, và tẩy chay các nhà lãnh đạo có thể truyền cảm hứng cho chúng ta xây dựng một xã hội tốt hơn bằng chính đôi bàn tay của mình. Không có con đường nào sẽ dẫn đến một chính phủ tốt đẹp trừ khi chúng ta bắt đầu xây dựng nó, bằng chính đôi tay của chúng ta.
Như Frederick Douglass đã viết, “Ai muốn tự giải thoát chính mình sẽ phải đấu tranh.”
Chiến dịch tranh cử tổng thống này không chỉ là một sự bóc trần những lời nói dối. Chúng ta thà tự tạo ra một nền báo chí của chính chúng ta còn hơn là quỳ gối trước vũng lầy hôi thối của giới truyền thông và làm nô lệ cho bọn họ. Giới truyền thông đồng lòng khinh miệt tôi — và tôi hoan nghênh sự khinh miệt của họ.
Tôi sẽ không chỉ yêu cầu bạn bỏ phiếu vào tháng 11. Lời thỉnh cầu của tôi là bạn hãy tham gia cùng chúng tôi trong nỗ lực biến đổi Hoa Kỳ, và giữ vững sự nỗ lực đó mỗi ngày. Những cố gắng của bạn sẽ tạo ra những mối dây liên kết công dân với một chính phủ công chính. Nếu những tổ chức trong khu vực của chúng ta không dân chủ và không có sự tham gia của tất cả mọi người, những tổ chức đó sẽ không thể hỗ trợ một nền dân chủ của quốc gia.
Những nhà tù ngổn ngang chứa đầy những người vô tội; cơ sở hạ tầng mục nát khiến con cháu chúng ta khốn khổ, và một nền văn hóa tiêu dùng và tiện lợi đã phá hủy những phẩm chất cần kiệm, tiết độ, và khiêm nhường. Hiện tại, thực sự, tất cả đã quá muộn.
Nền cộng hòa này nên hoạt động như một chiếc đồng hồ tinh xảo, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của công dân. Nhưng chúng ta phải làm gì nếu kim chỉ giờ bị gỉ, bánh xe cân bằng của đồng hồ bị gãy, hay dây tóc trong cơ cấu điều chỉnh bị vênh?
Liệu chúng ta có mặc kệ cái đồng hồ đó và để nó chạy chậm lại cho đến khi hỏng hoàn toàn? Hay chúng ta tạm dừng đồng hồ một lát, và làm sạch, sửa chữa, và cải thiện toàn bộ từ đầu đến chân? Cách giải quyết thứ hai có nguy cơ tạo ra một chế độ chuyên chế. Nhưng cách giải quyết đầu tiên gần như đảm bảo nguy cơ đó sẽ xảy ra. Nên cho phép một cuộc đại phẫu nguy hiểm, nhưng cần thiết, hơn là lặng nhìn nền cộng hòa sụp đổ.
Khi chúng ta thấy rõ rằng chủ nghĩa chuyên quyền tuyệt đối sẽ tạo nên một chuỗi các hành vi lạm dụng và chiếm đoạt, chúng ta có quyền và trách nhiệm tạo nên những người bảo vệ mới cho an ninh tương lai của mọi người.
Hãy để tôi đề xuất hai nguyên tắc cơ bản đánh dấu các hành động trong tương lai:
Hành trình đi tìm chân lý dựa vào khoa học
Dân chủ là quá trình mà nhu cầu và trí tuệ của người dân được chuyển đổi thành chính sách. Nhưng nếu người dân bị lừa dối bởi những thứ đã bị giới báo chí bóp méo và tô điểm, nếu họ được dạy chỉ quan tâm đến bản thân mình và do đó mất hứng thú với bộ máy chính quyền, thì chúng ta sẽ có một nền dân chủ không có công dân. Nếu mọi cuộc tranh luận về chính sách đều không có căn cứ trên thực tế, thì chúng ta sẽ có một nền dân chủ ảo tưởng. Sự thật khó khăn là, chân lý không bao giờ mang tính chất dân chủ. Nếu chúng ta bỏ phiếu để xác định điều gì là đúng, thì chúng ta đã mất kết nối với thực tại và rơi vào một thứ trật tự giả tưởng.
Chúng tôi sẽ tìm ra sự thật về tình trạng nghèo đói ở đất nước chúng ta và căn nguyên của nó, về những động lực đằng sau các cuộc chiến tranh ngoại quốc mà chúng ta tham chiến, về sự suy đồi của giáo dục và cộng đồng, và chúng tôi sẽ khuyến khích bạn, hỗ trợ bạn, khi bạn tiến hành kiểm tra khu vực của bạn, và chúng tôi sẽ giúp bạn nâng cao lòng can đảm để xây dựng và thực hiện các giải pháp.
Việc thành lập một chính phủ, theo lời của Tổng thống Abraham Lincoln, “của nhân dân, bởi nhân dân, và vì nhân dân” là mục đích của chúng ta. Mục tiêu này không thể đạt được thông qua việc bầu chọn một người, hoặc thông qua một dự luật. Nó sẽ chỉ đến nhờ một sự thay đổi sâu sắc trong văn hóa và thói quen của chúng ta.
Chúng tôi sẽ không đánh lạc hướng bạn khỏi những kẻ siêu giàu, vấy máu, và dối lừa đang nẫng tay trên của cải của nhân dân. Chúng tôi sẽ nói lên sự thật và không sợ bất kỳ thế lực xấu xa nào. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể kết thúc những cuộc chiến bất tận, và ngăn chặn những kẻ bóc lột nhân dân Hoa Kỳ.
Một chính phủ vì nhân dân
Hiến pháp Hoa Kỳ đưa ra kế hoạch chi tiết cho một chính phủ đại diện cho nhân dân, chứ không phải vì giới tinh hoa. Quá trình xây dựng nền cộng hòa này vốn đã không hoàn hảo, vì nó bị vấy bẩn bởi chế độ nô lệ và sự tàn sát người bản xứ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể nhìn rõ ngọn lửa tinh thần của Hiến pháp tỏa sáng trên nền gạch vụn.
Bây giờ là thời điểm để tái tạo lại chính phủ; sự tái tạo này sẽ không phải là một mánh lới quảng cáo được tài trợ bởi các tập đoàn, hoặc một cửa ngõ cho các nhà thầu tìm kiếm lợi nhuận, mà nó sẽ là sự bảo vệ phúc lợi của người dân và che chở cho những người nổi dậy.
Những tội ác như sự tập trung triệt để của cải, sự sụp đổ thảm khốc của môi trường, và sự nổi lên của chủ nghĩa quân phiệt như một con đường làm giàu thậm chí không được coi là chủ đề thảo luận trong một cuộc đối thoại bình thường. Những kẻ đáng ra phải lãnh đạo chúng ta lại thà quấn mình trong một chiếc chăn được dệt bằng sự hèn nhát và đạo đức giả, và họ bịt mắt, bịt tai, bịt miệng trước những điều xấu xa.
Sự lựa chọn im lặng đó đem lại một cái giá khủng khiếp. Cơn ác mộng bao trùm lên những con người trẻ tuổi trong xã hội chúng ta, những con người phải thực hiện nghĩa vụ trên những ngọn núi khắc nghiệt của Afghanistan, nằm trong tình trạng chấn thương cả về thể xác lẫn tinh thần bên những hành lang ẩm ướt của Trung tâm Y tế Walter Reed, hoặc nhìn chằm chằm vào bức tường trống trong các phòng giam của các nhà tù tư nhân.
Chúng ta hãy mang một tia hy vọng cho những người phải làm việc khốn khổ liên tục cả ngày lẫn đêm để nuôi con. Cho họ biết rằng sẽ có một chính phủ đặt lợi ích của họ vào trung tâm của chương trình nghị sự quốc gia. Hãy cho họ biết rằng chúng ta có đủ dũng cảm để gọi đích xác chế độ nô lệ chính là chế độ nô lệ, và chiến tranh chính là chiến tranh!
Chân lý sẽ trường tồn
Bất chấp những khó khăn trước mắt, chúng ta hãy cùng nhau tiến lên. Chiến dịch của chúng ta đôi khi sẽ phải đối đầu với những kẻ khác, nhưng động lực của chúng ta luôn nằm ở tình yêu. Chúng ta sẽ làm giảm những kẻ giàu có vì trục lợi và làm tăng những người lao động chân chính. Chúng ta sẽ làm rõ rằng những điều có giá trị nhất là những thứ vô hình: những giá trị cốt lõi sẽ hướng chúng ta, các cá nhân, nhóm, và quốc gia, đến việc sẵn sàng hy sinh bản thân, không chỉ vì lợi ích của toàn bộ, mà còn để theo đuổi chân lý.
Tất cả những sự thật như cách dầu mỏ và nhựa làm hại môi trường của chúng ta, hàng nghìn tỷ đô la bị người giàu đẩy ra ngoài khơi, và internet bị lợi dụng để khiến phần “con” trỗi dậy lấn át phần “người”, sẽ được đưa ra ánh sáng trong công cuộc chuyển đổi lớn này. Hỡi đồng bào, sự thật sẽ giải phóng bạn.
[1] Chất độc màu da cam được sản xuất chủ yếu bởi Dow Chemical và Monsanto, hai công ty vẫn tham gia vào một số hoạt động bóc lột người dân tồi tệ nhất và sử dụng hóa chất vô đạo đức để kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Tôi không nghĩ nhiều người Mỹ sẽ khóc nếu một lượng lớn lợi nhuận do các tập đoàn đó thu được dùng để bù đắp cho những người phải chịu đựng quá nhiều ở Việt Nam. Tôi không nghĩ chúng ta nên để những công ty đội lốt “chính phủ” và trốn tránh trách nhiệm của họ. “